VỤ VIỆC:

Giải quyết tranh chấp Hợp đồng EPC của dự án nhiệt điện, có giá trị lên đến 438 triệu USD (2017)

KHÁCH HÀNG:

Một công ty con thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

GIỚI THIỆU:

Khách Hàng là một công ty thuộc Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Chủ đầu tư một dự án nhà máy nhiệt điện tại phía Bắc (“Nhà Máy Nhiệt Điện”), có 2 tổ máy (tổ 3 và 4), công suất 600MW/năm, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2003 và được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng năm 2006. Tháng 11/2006, Khách Hàng ký Hợp Đồng EPC với Nhà thầu Trung Quốc (“Tổng Thầu”) để thiết kế, thi công, mua sắm, lắp đặt, chạy thử Nhà Máy Nhiệt Điện, giá Hợp Đồng EPC là 420 triệu USD, thời điểm hoàn thành (PAC) tổ máy số 3 là tháng 2/2010 (tương ứng 32 tháng thi công) và tổ máy 4 là tháng 7/2010 (tương ứng với 37 tháng thi công). Nguồn vốn được thu xếp để thanh toán cho Hợp Đồng EPC gồm 85% vốn vay tài trợ xuất nhập khẩu của một Ngân hàng Trung Quốc (“Ngân Hàng Tài Trợ”) và 15% vốn chủ sở hữu.

Tháng 4/2007, Khách Hàng và Ngân Hàng Tài Trợ ký hợp đồng vay thương mại với giá trị khoản vay gần 356 triệu USD để thanh toán 85% giá trị Hợp Đồng EPC đã ký với Tổng Thầu. Tuy nhiên đến tháng 10/2010, hợp đồng vay mới có hiệu lực. Do đó, tháng 7/2011, Khách Hàng và Tổng Thầu ký hợp Phụ Lục điều chỉnh Hợp Đồng EPC, theo đó điều chỉnh (i) Ngày tái khởi động lại Dự án: ngày 01/06/2011; (ii) Cấp PAC Tổ máy 3 chậm nhất 31/12/2012; (iii) Cấp PAC Tổ máy 4 chậm nhất ngày 31/05/2013; (iv) Giá Hợp Đồng sau điều chỉnh là 438 triệu USD (tăng khoảng 18 triệu USD). Phụ lục điều chỉnh này có hiệu lực khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau: (i) phải được ký bởi các bên; (ii) phải được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền (“Phụ Lục Điều Chỉnh”).

Tuy nhiên, sau đó, Dự án hoàn thành chậm tiến độ, ngày cấp PAC của Tổ máy 3 chậm gần 2 năm so với quy định Hợp Đồng EPC (Tổ máy 3 được cấp PAC ngày 1/1/2014).

Năm 2017, hai Bên tiến hành thủ tục thanh, quyết toán Hợp Đồng EPC, Khách Hàng khiếu nại Tổng Thầu chậm thời hạn hoàn thành và yêu cầu Tổng Thầu bồi thường 5% giá Hợp Đồng EPC. Tổng Thầu thì cho rằng do Phụ Lục Điều Chỉnh bị phê duyệt chậm nên Tổng Thầu được quyền yêu cầu gia hạn thời gian thực hiện Hợp Đồng EPC và yêu cầu Khách Hàng bồi thường chi phí do chờ đợi có được sự phê duyệt từ phía Việt Nam mới chính thức triển khai đồng loạt thi công trên công trường.

Khách Hàng đã chỉ định ATIM LAW FIRM làm đơn vị tư vấn luật để rà soát Hợp Đồng EPC và các tài liệu có liên quan, tư vấn cho Khách Hàng trong việc giải quyết các khiếu nại của Tổng Thầu về chi phí bổ sung và gia hạn thời gian hoàn thành.

VẤN ĐỀ PHÁP LÝ:

Tổng Thầu khiếu nại yêu cầu gia hạn thời hạn hoàn thành với lý do Chủ đầu tư chậm trễ trong việc xin chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đối với Phụ Lục Điều Chỉnh và không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã thu xếp tài chính để có thể thanh toán cho theo thỏa thuận Hợp Đồng EPC. Liên quan đến vấn đề này, ATIM LAW FIRM nhận thấy một số thách thức về mặt pháp lý đối với Khách Hàng như sau:

  • Thực tế Khách Hàng mất khá nhiều thời gian để xin các chấp thuận cần thiết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam đối với Phụ Lục Điều Chỉnh, theo đó, phải mất 4 tháng mới có được chấp thuận của Hội Đồng Quản Trị, sau đó Khách Hàng tiếp tục báo cáo Bộ Công thương và Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến, vì vậy thời gian kéo dài thêm.
  • Trong khi đó, Hợp đồng EPC và Phụ Lục Điều Chỉnh không có quy định cụ thể thẩm quyền và thời hạn chấp thuận. Căn cứ quy định luật pháp Việt Nam, luật điều chỉnh hợp đồng, thời hạn chấp thuận theo quy định tại Điều lệ, quy chế nội bộ của Công ty. Theo Điều lệ, Hội Đồng Quản Trị công ty có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, Điều lệ không quy định thời hạn phê duyệt. Mặt khác, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định rõ ràng nào bắt buộc Khách Hàng phải báo cáo Bộ Công Thương hoặc xin ý kiến Thủ Tướng Chính Phủ.

GIẢI PHÁP:

Luật sư của ATIM LAW FIRM đã rà soát Hợp Đồng EPC và các tài liệu liên quan khác, cùng với việc nghiên cứu quy định pháp luật, nhận định các điểm mạnh và yếu của Khách Hàng đối với khiếu nại của Tổng Thầu và tư vấn hướng xây dựng lập luận để bảo vệ quyền và lợi ích của Khách Hàng liên quan đến các khiếu nại này, cụ thể hơn như sau:

  • Đối với khiếu nại gia hạn thời hạn hoàn thành với lý do Chủ đầu tư chậm trễ trong việc xin chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đối với Phụ Lục Điều Chỉnh, ATIM LAW FIRM cho rằng Khách Hàng có thể căn cứ vào một số điểm mạnh sau để xây dựng và củng cố lập luận từ chối khiếu nại của Tổng Thầu. Theo đó, Phụ Lục Điều Chỉnh chỉ điều chỉnh mốc thời hạn cuối cùng cho việc cấp PAC của 2 tổ máy. Còn lại, các điều khoản khác đã quy định tại Hợp Đồng EPC, đã có hiệu lực từ trước, thì vẫn tiếp tục có hiệu lực, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện ngay cả khi Phụ Lục Điều Chỉnh chưa được chấp thuận, trừ các trường hợp có yêu cầu tạm hoãn công trình bằng văn bản trước đó từ Chủ Đầu Tư theo Hợp đồng EPC. Vì vậy, nếu Tổng Thầu cho rằng cơ quan có thẩm quyền liên quan chậm trễ trong chấp thuận Phụ Lục Điều Chỉnh dẫn đến nội dung về thời hạn cấp PAC chậm có hiệu lực và vì vậy, Tổng Thầu không có cơ sở tiến hành công việc thì lập luận này không có cơ sở. Việc sửa đổi và thông qua mốc thời hạn cuối cùng cấp PAC của 2 tổ máy không phải là yêu cầu tạm ngưng hay làm trì hoãn nghĩa vụ phải tiếp tục thi công của Tổng Thầu.
  • Đối với khiếu nại gia hạn thời hạn hoàn thành với lý do Chủ đầu tư không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã thu xếp tài chính để có thể thanh toán cho theo thỏa thuận Hợp Đồng EPC, ATIM LAW FIRM cho rằng Khách Hàng có thể căn cứ vào vấn đề trọng yếu sau đây để xây dựng và củng cố lập luận từ chối khiếu nại của Tổng Thầu. Theo đó, việc chậm phê duyệt Phụ Lục Điều Chỉnh có thể bị xem là không xuất trình được bằng chứng đã thu xếp tài chính để có thể thanh toán cho Tổng Thầu theo thỏa thuận Hợp Đồng EPC và Tổng Thầu có quyền khiếu nại để giãn hoặc tạm ngừng thi công khi đủ các điều kiện sau (1) trong thời gian Phụ Lục Điều Chỉnh đang được phê duyệt, Nhà Thầu phải có văn bản gửi Chủ Đầu Tư đề nghị cung cấp bằng chứng đã thu xếp tài chính; và (2) quá hạn 28 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này mà Chủ Đầu Tư không cung cấp được.

KẾT QUẢ:

ATIM LAW FIRM đã hoàn thành ý kiến tư vấn và đã giúp Khách Hàng xây dựng lập luận và giải quyết từ chối một số yêu cầu của Tổng Thầu và Tổng Thầu đã đồng ý với các cách giải quyết này mà không đưa vụ việc ra giải quyết tại cơ quan giải quyết tranh chấp các bên đã lựa chọn theo Hợp Đồng EPC.