Vì sao xuất hiện thêm mô hình khu công nghiệp chuyên ngành?

Tiếp nối chủ đề “Tìm hiểu về khu công nghiệp tại Việt Nam”, sau khi đã có hiểu biết sơ bộ về khu công nghiệp, ở những bài viết tiếp theo, ATIM LAW FIRM sẽ cùng các bạn đọc, các nhà đầu tư tìm hiểu về từng loại hình khu công nghiệp cụ thể. Do đó, qua viết này, ATIM LAW FIRM mong muốn truyền tải đến các bạn đọc, các nhà đầu tư một số kiến thức về khu công nghiệp chuyên ngành.

Ở giai đoạn đầu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, một trong những mục tiêu cần thiết để thúc đẩy nền công nghiệp là hình thành các khu công nghiệp. Tuy nhiên, khi trình độ sản xuất đã dần được nâng cao, nhu cầu sản xuất quy mô lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, cần nhiều diện tích thì các khu công nghiệp cần được xây dựng chuyên biệt hóa nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong từng lĩnh vực cụ thể.

Đó cũng chính là một trong những lý do các nhà làm luật bổ sung các mô hình Khu công nghiệp chuyên ngành vào hệ thống các mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam nhằm tạo khung pháp lý cho việc triển khai mô hình này trên thực tế.

Cụ thể, Điều 2.4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định như sau: “Khu công nghiệp chuyên ngành là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề này”.

Việc bổ sung mô hình khu công nghiệp này có khả năng tạo được bước tiến lớn trong sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nhờ vào những tác động sau:

  • Hiện nay, khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Việc tập trung thành lập và đẩy mạnh các khu công nghiệp chuyên ngành giúp tái cấu trúc mô hình khu công nghiệp theo hướng các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa. Qua đó, các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, các doanh nghiệp “vệ tinh” có thể hoạt động sát nhau, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, từ đó tạo ra các lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
  • Xu hướng phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành có thể giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến mặt bằng sản xuất, công tác xử lý chất thải, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu diện tích cho sản xuất kinh doanh lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô.

Hiện nay, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tọa lạc tại Phường Phước Hòa, Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam là khu công nghiệp chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam, được thành lập từ 11/12/2014 dựa trên Thỏa Thuận Hợp tác và Phát Triển được ký kết giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào tháng 11/2021. Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ, logistics. Mặc dù KCN Phú Mỹ 3 chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo định nghĩa về khu công nghiệp chuyên ngành tại Nghị định 35, cụ thể là KCN Phú Mỹ 3 vẫn chưa tập trung vào một ngành cụ thể mà vẫn theo hướng đa ngành, nhưng đây cũng được xem là một tiền than của loại hình khu công nghiệp chuyên ngành tại Việt Nam.

Nhìn chung, tại Việt Nam, pháp luật quản lý về phát triển khu công nghiệp đã được ban hành tương đối đầy đủ. Các quy định qua từng thời kỳ đều được bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện để đáp ứng tình hình thực tế nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định. Và việc bổ sung mô hình khu công nghiệp chuyên ngành cũng góp phần vào sự hoàn thiện ấy.

Nguyễn Phạm Quỳnh Trang (Trợ lý luật sư)