Lịch sử hình thành các khu công nghiệp – khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành tại Việt Nam nói chung, sau khi nhìn thấy những tiềm năng to lớn từ các nguồn đầu tư nước ngoài vào các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, đã chủ trương tiến hành gấp rút xây dựng và phát triển các mô hình này. Tại bài viết này, ATIM LAW FIRM sẽ điểm lại quá trình hình thành và phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh qua từng giai đoạn.

Sau khi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất nhanh, song đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp 2 khó khăn chính là: Cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục xin giấy phép đầu tư và triển khai dự án đầu tư phức tạp, mất nhiều thời gian. Dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài, Chính phủ chủ trương thành lập khu chế xuất, với mục tiêu thí điểm mô hình kinh tế, thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đầu những năm 1990, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu chủ trương xây dựng và phát triển các khu chế xuất (“KCX”), khu công nghiệp (“KCN”) và luôn có những đề án phát triển cho tới ngày nay.

Sự phát triển của các KCX, KCN tại TP. Hồ Chí Minh có thể được tóm lược thông qua những giai đoạn sau:

Giai đoạn 1990 – 1993

Đây là giai đoạn hình thành, với KCX Tân Thuận (1991) và KCX Linh Trung (1992) được thành lập với mục tiêu ban đầu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Các KCX này đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Giai đoạn 1994 - 1997

Với sự ra đời của Nghị định số 192/CP của Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 1994 về Ban hành quy chế KCN, giai đoạn này đã chứng kiến sự hình thành của các KCN, nhằm mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, đa dạng hóa phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhẹ, hướng tới xuất khẩu. Điều này đã giúp cho vốn đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh trong giai đoạn 1994-1997.

Giai đoạn 1997 - 2003

Trong phạm vi cả nước, đây là giai đoạn lan tỏa mô hình KCN, hình thành các khu công nghệ cao cùng với việc thí điểm và thành lập khu kinh tế cửa khẩu. Trong bầu không khí này, TP. Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập thêm 11 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 2.123,57 ha.

Giai đoạn từ năm 2004 đến nay

Là giai đoạn hoàn thiện và phát triển các KCN. Theo số liệu của Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó 17 KCX, KCN đã hoạt động.

Theo quy hoạch đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ có 23 KCX, KCN tập trung với tổng diện tích 5.822,5 ha. Tuy nhiên, tính đến nay, thành phố mới triển khai được 3 KCX và 16 KCN, chiếm 76.78% quy mô đất quy hoạch. Trong đó, tỉ lệ lấp đầy ở nhiều KCN đã đạt ngưỡng 100%. Có thể kể đến như KCN Tân Bình, KCN Lê Minh Xuân, KCN Vĩnh Lộc, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Cát Lái II, KCN An Hạ … Một số KCN với diện tích lớn thì quỹ đất còn lại sẵn sàng cho thuê cũng không còn nhiều, ví dụ như KCX Tân Thuận (còn 2,82ha/300ha), KCN Tân Tạo (còn 11,62 ha/ 380,15ha), KCN Tân Phú Trung (còn 15,44ha/ 542,64ha).

Định hướng phát triển KCX - KCN của Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các KCX – KCN hiện hữu thành KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao, bao gồm: Cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm; và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Trần Thị Ngọc Ly - Trợ lý luật sư