Bất động sản công nghiệp - Khu công nghiệp sinh thái là gì?

Khu công nghiệp sinh thái (KCN sinh thái) là một loại hình khu công nghiệp được quan tâm trong những năm gần đây trong bối cảnh nhu cầu phát triển các khu công nghiệp luôn đồng thời với việc bảo vệ môi trường. Trong bài viết này, ATIM LAW FIRM sẽ tổng hợp những kiến thức tổng quan về KCN sinh thái tại Việt Nam.

Với các tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, KCN sinh thái đã trở thành một mô hình mới cho việc phát triển công nghiệp, kinh tế và xã hội phù hợp với tiến trình phát triển bền vững toàn cầu.

Mô hình KCN sinh thái (Eco-industrial park - EIP) đã xuất hiện ở các quốc gia phát triển từ thập niên 1990 và các quốc gia châu Á có thu nhập cao như Nhật Bản/Hàn Quốc/Đài Loan từ năm 2000. Khái niệm KCN sinh thái bắt nguồn từ hai ý tưởng mạnh mẽ: tính bền vững và sinh thái công nghiệp. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (USEPA) định nghĩa EIP là “một cộng đồng sản xuất và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp đang muốn tăng cường hiệu suất kinh tế và hiệu quả môi trường bằng cách hợp tác trong việc quản lý các vấn đề môi trường và tái sử dụng, bao gồm năng lượng, nước và nguyên vật liệu”. Bằng cách này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có được lợi ích tập thể lớn hơn tổng lợi ích cá nhân nếu từng doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất cá nhân của mình.

Khu công nghiệp sinh thái là gì?

Tại Việt Nam, mô hình KCN sinh thái đã được quy định từ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (“Nghị Định 82”). Ngày 28 tháng 5 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, thay thế Nghị Định 82 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 07 năm 2022 (“Nghị Định 35”).

Theo đó, Điều 2.5 Nghị Định 35 định nghĩa KCN sinh thái là …Khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp [1]”.

Trên thực tế, một KCN sinh thái thường đáp ứng một số tiêu chí cơ bản như sau [2]:

  • Bảo đảm đầy đủ các dịch vụ hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ có liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp;
  • Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm thải ra môi trường;
  • Dành tối thiểu 25% diện tích cho công trình cây xanh, bao gồm: cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung... theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng;
  • Thực hiện ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp;
  • Có cơ chế giám sát, quản lý bảo vệ môi trường;
  • Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Có thể hiểu KCN sinh thái là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích: hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và nguồn tài nguyên.

Thực trạng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Việt Nam hiện có khoảng hơn 400 KCN đang hoạt động nhưng số dự án chú trọng đến hệ sinh thái công nghiệp chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, theo một báo cáo của HBA, TP. Hồ Chí Minh chưa có KCN nào là KCN sinh thái thực sự. Hiện tại, chỉ có một số KCN, KCX ở phía Nam hoạt động và hướng tới mục đích chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái như:

  • KCX Linh Trung I (TP.HCM) có tổng diện tích 62 ha hoạt động từ năm 1995. Tất cả các cơ sở sản xuất trong KCX đều thực hiện trao đổi chất thải với Công ty Liên doanh Sepzone hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế hoặc xử lý chất thải bên ngoài KCX;
  • KCN Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) thành lập năm 1997 với diện tích 347 ha. KCN hình thành một mạng lưới trao đổi chất thải, giấy caton được sử dụng để sản xuất hộp cát tông, nguyên liệu vải, sợi phế liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như giẻ lau, bụi bông… Còn mạng lưới trao đổi chất thải bên ngoài KCN được thiết lập đối với tái chế phế liệu như: nhựa, giấy và cát tông… Chất thải rắn, khí thải đều được xử lý, còn nước thải được xử lý và tái sử dụng.

Chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Chính phủ cam kết đến năm 2030 sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, tại 5 tỉnh/thành phố gồm: TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Trần Thị Ngọc Ly - Trợ lý Luật Sư



[1] Điều 2.7 Nghị Định 35: “Cộng sinh công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc trong các khu công nghiệp khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.”

[2] Điều 37 Nghị Định 35