VỤ VIỆC:

Giải quyết tranh chấp liên quan đến Hợp đồng dịch vụ quảng cáo

KHÁCH HÀNG:

Một công ty hàng đầu về quảng cáo ngoài trời, có vốn đầu tư Nhật Bản 

GIỚI THIỆU:

Khách Hàng là một tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam về lĩnh vực quảng cáo ngoài trời (OOH), là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo cho cả các tập đoàn lớn tại Việt Nam lẫn các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài hoạt động chính là quảng cáo ngoài trời (hologram, projection, màn chiếu trong suốt,..) Khách Hàng còn hoạt động trong lĩnh vực đo lường hiệu quả quảng cáo ngoài trời.  

Năm 2018, Khách Hàng đã ký kết Hợp đồng dịch vụ quảng cáo với Công Ty C, là công ty chuyên cung cấp đồ gỗ và trang trí nội thất. Theo đó, Công Ty C chỉ định Khách Hàng cung cấp dịch vụ quảng cáo trên màn hình chiếu ngược cho Công Ty C. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, Công Ty C đột ngột đơn phương chấm dứt Hợp đồng với lý do Khách Hàng thực hiện không đúng nội dung yêu cầu trong Hợp đồng. Khách Hàng cho rằng mình đã thực hiện đầy đủ và đúng nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng và thỏa thuận sau đó giữa các bên, do đó, Công Ty C đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng trước hạn trái pháp luật dẫn đến vi phạm Hợp đồng và gây thiệt hại cho Khách Hàng. Vì vậy, Khách Hàng đã khởi kiện Công Ty C, yêu cầu bồi thường thiệt hại mà các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng, với số tiền xấp xỉ gần 3 tỷ đồng (150,000USD).

THÁCH THỨC:

Trong vụ việc này, Khách Hàng đã gặp bất lợi khi lắp đặt toàn bộ tài sản của mình là máy móc, màn chiếu có giá trị lớn tại địa điểm kinh doanh của Công Ty C, dẫn đến khi phát sinh tranh chấp, Công Ty C đã chiếm giữ trái pháp luật tài sản của Khách Hàng để gây sức ép trong việc đàm phán chấm dứt hợp đồng.

Thỏa thuận không chặt chẽ từ thời điểm giao kết hợp đồng cũng như các lần sửa đổi hợp đồng trong quá trình thực hiện không được ghi nhận bằng văn bản cũng là những thách thức khi phát sinh tranh chấp giữa các bên.

Khách Hàng cũng gặp các khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại, bao gồm cả thiệt hại thực tế và các khoản lợi trực tiếp mà Khách Hàng đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của Công Ty C. Bên cạnh đó, về thực tiễn, nếu Khách Hàng không chứng minh được thiệt hại thực tế thì khó có cơ sở để Tòa án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Khách Hàng đã nhiều lần liên hệ Công Ty C thương lượng giải quyết vụ việc nhưng phía Công Ty C không có thiện chí hợp tác giải quyết nên vụ việc kéo dài.

GIẢI PHÁP:

Sau khi xem xét tài liệu và hồ sơ do Khách Hàng cung cấp, ATIM LAW FIRM đã tư vấn và thay mặt Khách Hàng gửi văn bản yêu cầu Công Ty C hoàn trả lại các tài sản cho Khách Hàng trước khi tiến hành thương lượng các điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tại văn bản này, ATIM LAW FIRM đã phân tích dấu hiệu phạm tội hình sự đối với hành vi chiếm giữ tài sản của Công Ty C nên buộc Công Ty C phải hoàn trả tài sản cho Khách Hàng cũng như cảnh báo về các hậu quả pháp lý nếu Công Ty C cố tính chiếm giữ và không hợp tác. Nhờ vậy, Công Ty C đã hoàn trả toàn bộ tài sản đang chiếm giữ cho Khách Hàng.

Tuy nhiên, phía Công Ty C không đồng ý bồi thường thiệt hại cho Khách Hàng, do đó, thay mặt và đại diện Khách Hàng, ATIM LAW FIRM đã tiến hành thủ tục khởi kiện Công Ty C ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu Công Ty C phải bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho Khách Hàng theo thỏa thuận trong Hợp đồng và các khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của Công Ty C.

Đối với phần thiệt hại theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, mặc dù không có tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế nhưng trong các buổi hòa giải và tại phiên tòa các cấp (sơ thẩm, phúc thẩm), luật sư của ATIM LAW FIRM đã đưa ra các lập luận, phân tích để yêu cầu Tòa án buộc Công Ty C phải bồi thường thiệt hại theo ấn định theo thỏa thuận của các bên tại Hợp Đồng.

KẾT QUẢ:

Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã đồng ý với lập luận và yêu cầu của luật sư ATIM LAW FIRM, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc Công Ty C bồi thường cho Khách Hàng với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng theo thỏa thuận của các bên trong Hợp Đồng.