Khu công nghiệp (“KCN”) Biên Hòa 1 ra đời năm 1963 (tên gọi trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa), là KCN lâu đời nhất Việt Nam, biểu tượng của ngành công nghiệp miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. KCN Biên Hòa 1 với diện tích 335ha cũng được xem là “hình mẫu”, tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển mô hình các KCN trên cả nước về sau. Sự ra đời và phát triển của KCN đầu tiên tại Việt Nam sẽ được ATIM LAW FIRM tổng hợp tại bài viết này.
1. Lịch sử ra đời của KCN Biên Hoà 1
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tên gọi trước đây là khu kỹ nghệ Biên Hòa) được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Khu kỹ nghệ Biên Hoà được thành lập theo sắc lệnh số 49/KT ngày 21/5/1963, theo chủ trương của Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn. Ban đầu, khu kỹ nghệ Biên Hoà nằm tại xã Tam Hiệp, phường Long Bình của Biên Hoà, rộng 376 ha.
Mục đích xây dựng KCN này được chính quyền Sài Gòn xác định nhằm: (i) Phân tán lực lượng công nhân tập trung ở đô thành Sài Gòn, (ii) Giãn dân đô thị, (iii) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp đều khắp, khắc phục sự mất cân đối giữa Sài Gòn và các địa phương, (iv) Giải quyết việc làm cho người dân quận Đức Tu (tỉnh Biên Hoà) và (v) Mục đích quân sự, phục vụ chiến tranh của chính quyền Sài Gòn với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong chiến lược quân sự song song với việc thành lập Tổng kho Long Bình – căn cứ hậu cần lớn nhất của Mỹ ở Nam Đông Dương.
Năm 1975, sau khi được chính quyền cách mạng tiếp quản, khu kỹ nghệ Biên Hoà được đổi tên là KCN Biên Hoà 1 với 76 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng từ hoá chất, vật liệu xây dựng đến luyện kim, lắp ráp điện tử, máy động lực, hàng tiêu dùng… Tuy nhiên, trong tình hình thời gian đầu mới giải phóng, chỉ có 38/94 nhà máy, xí nghiệp hoạt động.
Năm 1990, tỉnh Đồng Nai thành lập Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi Biên Hoà). Doanh nghiệp này đã đầu tư nguồn vốn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng KCN Biên Hoà 1, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặt cơ sở cho việc phát triển trong giai đoạn mới.
2. Định hướng phát triển trong tương lai của KCN Biên Hoà 1
Hiện KCN Biên Hoà 1 toạ lạc trên địa bàn phường An Bình, thành phố Biên Hòa, giáp sông Đồng Nai với 152 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người.
Tuy nhiên, với hàng chục năm “tuổi đời”, những điểm yếu của KCN Biên Hòa 1 đã bắt đầu được bộc lộ, đặc biệt là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hạ tầng xây dựng theo công nghệ cũ, thiếu hệ thống xử lý nước thải đồng bộ đã gây ô nhiễm nặng cho sông Đồng Nai. Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải, trong đó, chỉ khoảng 1.000m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Từ thực tế đó, ngày 7/10/2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 307/TB-VCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai, trong đó đồng ý về chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm nhưng dự án vẫn còn kéo dài do gặp phải nhiều vướng mắc như:
(i) Tại Việt Nam chưa có tiền lệ chuyển đổi KCN thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ nên nhiều nội dung buộc phải trình Chính phủ và chờ đợi ban hành khung chính sách mới triển khai tiếp được.
(ii) Giá trị khoản bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư không đủ để doanh nghiệp di dời.
(iii) Doanh nghiệp còn lo ngại về nguy cơ mất khách hàng.
(iv) Nguy cơ mất nguồn lao động, đặc biệt người có trình độ, tay nghề cao khi di dời xa thêm 20-60km về KCN Giang Điền hay các KCN khác.
Ngày 28/01/2021, văn bản số 111/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Đồng Nai có thể triển khai tiếp các thủ tục thực hiện di dời các doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của KCN lâu đời nhất cả nước này.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chốt phương án sẽ hoàn thành di dời tất cả doanh nghiệp trong năm 2022 và thống nhất lựa chọn phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án chuyển đổi KCN Biên Hoà 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1.
Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, tỉnh sẽ phải bố trí nguồn ngân sách rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Chính vì vậy, nhằm cân đối nguồn lực đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu TP.Biên Hòa và các đơn vị liên quan rà soát, phân chia thành các khu vực hợp lý để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất. Việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” đối với từng khu vực.
Trần Thị Ngọc Ly (Trợ lý luật sư)