Quy định mới về điều kiện hạ tầng Khu Công Nghiệp

Kể từ khi ban hành, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế  (“Nghị định 35”) đã có những thay đổi thiết thực, kịp thời, nhằm mục đích hoàn thiện một hành lang pháp lý đặc trưng đối với khu công nghiệp (“KCN”) mà Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (“Nghị định 82”) chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, trong đó bao gồm cả nội dung liên quan đến việc đầu tư hạ tầng KCN. Trong bài viết này, ATIM LAW FIRM gửi đến người đọc nội dung về “Quy định mới về điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp”.

 1)    Điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Có thể hiểu hạ tầng KCN bao gồm các hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của cụm công nghiệp. Theo đó, Điều 9 tại Nghị định 35 quy định sáu (06) điều kiện để đầu tư hạ tầng KCN, cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, phải phù hợp với quy hoạch mà nhà nước đã quy định. Theo đó, nội dung của quy hoạch này phải tuân theo quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, bên trong nội dung phải thể hiện các điều kiện phù hợp với Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trung ương đã được phê duyệt và cấp phép. Đặc biệt, phải phù hợp với quy hoạch xây dựng KCN.

Thứ hai, trong một số trường hợp đất tại KCN phải được phân kỳ theo từng giai đoạn nếu:

  • Trường hợp KCN có quy mô diện tích đất trên 500 ha phải được phân kỳ theo từng giai đoạn và không được quá 500 ha/ giai đoạn
  • Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng: việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô hơn 200 ha phải phân kỳ theo các giai đoạn
  • Đối với vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ: việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô hơn 150 ha phải được phân kỳ theo các giai đoạn.
  • Đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô hơn 100 ha phả được phân kỳ.
  • Đối với các dự án thực hiện cụm liên kết ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 02 tỷ USD hoặc 45.000 tỷ đồng được xem xét và đầu tư theo từng giai đoạn với quy mô diện tích không quá 1.000 ha.

Thứ ba, dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc 3% tổng diện tích đất của KCN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển và hưởng những ưu đãi đặc biệt hơn các doanh nghiệp khác trong cùng khu.

Thứ tư, buộc đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật và tỷ lệ lắp đầy bình quân các KCN thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ướng phải đạt yêu cầu tối thiểu 60%.

Thứ năm, lập quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN hoặc cụm KCN được đã được phê duyệt theo quyết định của cơ quan nhà nước.

Thứ sáu, việc đầu tư hạ tầng KCN mở rộng trên cơ sở KCN đã được thành lập trước đó và có cùng nhà đầu tư thực hiện phải đáp ứng một số điều kiện sau:

  • KCN đã thành lập trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% và đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường và đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng.
  • Có khả năng kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với KCN đã thành lập trước đó.
  • Đã được xây dựng và đưa vào sử dụng khu vực nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.

2)    Sự khác biệt giữa quy định giữa Nghị định 35 và Nghị định 82

Quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng KCN được coi là quy định hoàn toàn mới mà Nhà Nước bổ sung tại Nghị định 35 nhằm mục đích hoàn thiện các điều kiện về đầu tư hạ tầng KCN. Theo đó, quy định này đã:

  • Tổng hợp các quy định về quy hoạch liên quan đến điều kiện đầu tư hạ tầng.
  • Nhằm hạn chế việc đầu tư tràn lan cũng như tình trạng nhà đầu tư “giữ đất” với diện tích quá lớn, chậm đưa vào sử dụng. và nâng cao hiệu quả sử dụng đất
  • Tăng cơ hội tiếp cận quỹ đất đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu tiên còn gặp nhiều khó khăn.

Quy định rõ và tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ lấp đầy nhằm hạn chế tình trạng đầu tư trành lan và đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các vùng miền và địa phương tại nơi mà KCN được đầu tư và xây dựng.

Có thể thấy, việc bổ sung điều kiện đầu tư hạ tầng KCN có thể sẽ giúp hạn chế rất nhiều việc đầu tư tràn lan các KCN; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khả năng chọn lọc nhà đầu tư có năng lực có kinh nghiệm; đảm bảo thu hút đầu tư vào các KCN có hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, Nghị định 35 cũng mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/07/2022, do dó, vẫn cần thời gian để các doanh nghiệp áp dụng trên thực tế và đánh giá điểm mạnh điểm yếu của quy định này.  

Trần Ngọc Long - Trợ lý luật sư