Mô hình khu chế xuất (“KCX”), khu công nghiệp (“KCN”) trong những năm đầu đổi mới gặp rất nhiều khó khăn do đây là một vấn đề rất mới tại thời điểm đó với bối cảnh nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp còn đè nặng. Tuy nhiên, trải qua hơn 30 năm, hệ thống các KCN tại Việt Nam đã từng bước phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương cũng như góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Một số thông tin nổi bật về quá trình phát triển của hệ thống các KCN tại Việt Nam sẽ được ATIM LAW FIRM tổng hợp trong bài viết này.
Mô hình KCX, KCN được hình thành và phát triển trên cơ sở đường lối "Đổi Mới" đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển đất nước. Theo đó, khung pháp lý về KCN cũng liên tục được hoàn thiện và gắn bó mật thiết với bối cảnh, yêu cầu trong các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước từ năm 1991 đến nay.
Giai đoạn 1991 – 2000
Trước khi đường lối "Đổi Mới" của Đảng đề ra năm 1986, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sau đó, trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động KCX, KCN đã được ban hành, như: Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987; Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994; Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 về Quy chế khu chế xuất; Nghị định số 192/CP ngày 28/12/1994 về Quy chế khu công nghiệp.
Đặc biệt, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 là một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, giúp tạo nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài. Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (nay là KCN Biên Hòa 1) được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, thành lập năm 1963 bởi Chính quyền Sài Gòn. Khu chế xuất Tân Thuận (thành phố Hồ Chí Minh) được xem là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, được thành lập theo Quyết Định số 394/CT ngày 25/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ Tướng Chính Phủ).
Cũng trong giai đoạn này, định hướng phát triển các KCN, KKT được thí điểm và từng bước nhân rộng. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/CP ngày 4/4/1997 về Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Nghị định đã bổ sung quy định về xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN trên địa bàn cả nước do Chính phủ phê duyệt, làm căn cứ xem xét phát triển KCN tại địa bàn khác ngoài địa bàn đã thực hiện thí điểm.
Trong khoảng 5 năm đầu phát triển (1992-1997), cả nước có khoảng 40 KCN, sau khi Nghị định 36/CP được ban hành, đã xuất hiện "phong trào" làm KCN ở các tỉnh, thành phố. Ðến cuối năm 1997, cả nước có gần 100 KCN được thành lập.
Năm 1998, Chính phủ tiến hành thí điểm ở quy mô mở rộng hơn với việc phê duyệt chính sách ưu đãi cho KKT cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và Khu thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.
Giai đoạn 2001 - 2010
Thực hiện chủ trương phát triển mạnh các KCN, thành lập thêm một số KKT cửa khẩu và triển khai mô hình mới - KKT ven biển, cơ sở pháp lý cho thành lập và hoạt động của KCN, KKT cửa khẩu, KKT ven biển tiếp tục được hoàn thiện. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 về chính sách đối với KKT cửa khẩu biên giới. Quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008.
Đối với KKT ven biển, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, năm 2003, KKT mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam là KKT ven biển đầu tiên được thành lập. Sau đó, trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thêm 12 KKT ven biển.
Ngày 14/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, KCX và KKT, thay thế Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997.
Ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1353/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định hình thành hệ thống 15 KKT ven biển đến năm 2020.
Giai đoạn 2011 - nay
Các KCN, KKT trong giai đoạn này được định hướng tiếp tục phát triển và hoàn thiện theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm. Thực hiện chủ trương nêu trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX, KKT. Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP để thay thế các Nghị định trên.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển KKT ven biển, KKT cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020; đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT ven biển để tập trung đầu tư giai đoạn 2013 - 2015; lựa chọn một số KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; lựa chọn khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Tính đến tháng 6/2022, cả nước có 563 KCN nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam (tính cả KCN trong KKT ven biển, KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha. Trong 563 KCN đã quy hoạch, thì có 406 KCN đã thành lập, bao gồm 361 KCN nằm ngoài các KKT; 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 08 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, trong đó có 04 khu chế xuất)[1], với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 125,3 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 82,6 nghìn ha. 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập với tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871,5 nghìn ha.
Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã thành lập trên cả nước đạt khoảng 52,5%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70,9%.[2] Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển khu chức năng trong KKT của nhà đầu tư có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, đồng thời tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. Đồng thời, KCN, KKT là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Nguồn:
Báo cáo tổng hợp đề xuất Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP
[1] Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT 9 tháng năm 2021 của MPI thì có 397 KCN được thành lập. Tuy nhiên, SSI research thì, trong 6 tháng 2022, đã có thêm 9 KCN được thành lập. Như vậy, tính đến tháng 6/2022 có tổng cộng 406 KCN được thành lập trong cả nước.
[2] Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT 9 tháng năm 2021 của MPI.