VỤ VIỆC:

Sáp Nhập và Chuyển Giao Mạng Lưới Bán Hàng Đa Cấp

KHÁCH HÀNG: 

Tập Đoàn Đa Quốc Gia Hoa Kỳ, Chuyên Sản Xuất và Phân Phối Thuốc Tân Dược và Sản Phẩm Chăm Sóc Sức Khỏe.

BỐI CẢNH:

Khách hàng là một tập đoàn sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu của Mỹ hoạt động đa quốc gia theo phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp. Gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 05/2012 thông qua việc vận hành song song hai pháp nhân gồm một Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại (“Công Ty FDI”) và một Công ty 100% vốn trong nước có trụ sở tại Thành phố Hà Nội, là đối tác của Khách Hàng tại Việt Nam, chịu trách nhiệm thiết lập, duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối thông qua mô hình bán hàng đa cấp (“Công Ty Trong Nước”). Công Ty Trong Nước do một số cá nhân Việt Nam góp vốn thành lập (“Đối Tác Việt Nam”).

Năm 2014, Công Ty Trong Nước đã thiết lập, vận hành và duy trì được một hệ thống mạng lưới các nhà phân phối theo mô hình bán hàng đa cấp trên phạm vi cả nước (“Mạng Lưới”). Tuy nhiên, việc quản lý Mạng Lưới của Công Ty Trong Nước gặp phải một số tồn tại không thể tránh khỏi. Điều này dẫn đến một vài Nhà Phân Phối có ứng xử chưa phù hợp chuẩn mực chung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Tập Đoàn. Để củng cố hiệu quả quản lý Mạng Lưới và đảm bảo hoạt động bán hàng tại Việt Nam được chuẩn hóa theo quy tắc hoạt động và đạo đức kinh doanh của Tập Đoàn, Tập Đoàn và Đối Tác Việt Nam đã đàm phán và tiến tới thống nhất Tập Đoàn sẽ mua lại và chuyển giao Mạng Lưới từ Công Ty Trong Nước sang Công Ty FDI. Tại thời điểm triển khai quyết định sáp nhập, pháp luật cấm việc mua bán chuyển nhượng mạng lưới kinh doanh Bán hàng đa cấp. Khách hàng đã làm việc với nhiều đơn vị tư vấn và bế tắc trong giải pháp.

Giữa năm 2014, Khách Hàng tìm tới ATIM LAW FIRM và được tư vấn giải pháp thay thể tổng thể cho việc sáp nhập hoạt động của hai pháp nhân trên. Mục tiêu của Khách hàng là Công Ty FDI phải được tiếp nhận toàn bộ Mạng Lưới từ Công Ty Trong Nước và giảm thiểu mọi rủi ro gây gián đoạn hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp này.

THÁCH THỨC VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ

Vào thời điểm đó, yêu cầu của Khách Hàng về việc sáp nhập và chuyển giao Mạng Lưới không được làm gián đoạn hoạt động bán hàng của cả hệ thống là một thách thức lớn đối với ATIM LAW FIRM nói riêng và bất kỳ đơn vị tư vấn nào khác nói chung. Bởi lẽ, tiến trình sáp nhập hai doanh nghiệp phải qua nhiều bước thủ tục với nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết, đặc biệt đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp, trình tự, thủ tục sáp nhập còn phức tạp hơn với nhiều giấy phép hơn cần phải đạt được. Theo đó, để có thể tiếp nhận và vận hành Mạng Lưới, sau khi ký hợp đồng sáp nhập và xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) ghi nhận các thay đổi về thông tin doanh nghiệp và dự án do sáp nhập, Công Ty FDI (công ty nhận sáp nhập) phải có được các giấy phép kinh doanh, giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ, giấy phép đăng ký, chứng nhận hoặc công bố các sản phẩm đang phân phối và giấy phép bán hàng đa cấp (GCNBHĐC). Hoàn thành các thủ tục này đòi hỏi nhiều công sức và mất nhiều thời gian với rất nhiều hồ sơ, tài liệu, giấy tờ, thông tin cần soạn thảo, thu thập, trình nộp, giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh rằng Công Ty FDI đáp ứng đẩy đủ tất cả các điều kiện để được cấp GCNBHĐC.

Công Ty Trong Nước (công ty bị sáp nhập), sau khi ký kết hợp đồng sáp nhập, phải thực hiện các thủ tục cần thiết để chấm dứt hoạt động như chuyển giao Mạng Lưới, tài sản cho Công Ty FDI (công ty nhận sáp nhập), thông báo cho cơ quan thuế về việc sáp nhập và thực hiện thủ tục quyết toán thuế, đóng mã số thuế.

Các khía cạnh trên cho thấy nếu không có một chương trình và kế hoạch sáp nhập chặt chẽ và hợp lý, rủi ro gián đoạn kinh doanh là rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn từ khi Công Ty Trong Nước (công ty bị sáp nhập) đã chấm dứt hoạt động về mặt pháp lý nhưng Công Ty FDI vẫn chưa xin được GCNBHĐC để vận hành Mạng Lưới. Cụ thể, đó chính là giai đoạn từ ngày Công Ty FDI (công ty nhận sáp nhập) được cấp GCNĐKĐT ghi nhận việc sáp nhập cho đến khi công ty này được cấp GCNBHĐC, theo dự kiến ít nhất là 3 tháng (“Giai Đoạn Chuyển Giao”).

Ngoài ra, thời điểm này, khung pháp lý, bối cảnh và quan điểm quản lý của cơ quan nhà nước Việt Nam về hoạt động bán hàng đa cấp cũng làm cho mục tiêu sáp nhập và chuyển giao Mạng Lưới mà không gián đoạn kinh doanh của Khách Hàng trở nên mờ mịt hơn. Từ năm 2005, văn bản pháp luật đầu tiên quy định về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã được ban hành. Tuy nhiên, cho đến những năm 2010, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn còn là khá xa lạ và mới mẻ ở Việt Nam với không ít thông tin tiêu cực về hành xử và đạo đức của nhà phân phối. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam vẫn luôn duy trì quan điểm vô cùng thận trọng và hơi bảo thủ trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại thị trường Việt Nam.

Cho đến thời điểm Khách Hàng thực hiện việc sáp nhập và chuyển giao Mạng Lưới, Cơ quan nhà nước Việt Nam chưa từng giải quyết vụ việc nào tương tự về sáp nhập hai doanh nghiệp mà trong đó, một bên là công ty 100% vốn trong nước, có giấy phép bán hàng đa cấp và đang vận hành mạng lưới nhà phân phối, bên còn lại là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, hai doanh nghiệp có trụ sở tại hai thành phố khác nhau. Trong khi đó, quy định pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp còn một số vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt là vấn đề thời điểm nào thì Bên bị sáp nhập phải chuyển giao tài sản, quyền và nghĩa vụ sang công ty nhận sáp nhập (“Ngày Chuyển Giao”). Ngày Chuyển Giao là ngày do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng sáp nhập hay ngày ghi trên GCNĐKĐT điều chỉnh của công ty nhận sáp nhập? Quy định pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp giai đoạn này quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp được phép “chuyển giao mạng lưới trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp” nhưng không quy định rõ thời điểm chuyển giao và trình tự thủ tục. Quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cũng không quy định nào về việc công ty nhận sáp nhập được phép kế thừa và sử dụng các kết quả mà công ty bị sáp nhập đã đạt được về chứng nhận, công bố an toàn đối với các sản phẩm để tiếp tục phân phối trong thời gian hiệu lực còn lại.

GIẢI PHÁP

Để đạt được mục tiêu chuyển giao Mạng Lưới cho Công Ty FDI trong khi pháp luật về kinh doanh BHDC cấm chuyển nhượng mạng lưới, ATIM LAW FIRM đã đề ra giải pháp thực hiện việc sáp nhập Công Ty Trong Nước (sở hữu mạng lưới) vào Công Ty FDI. Theo quy định hiện hành của pháp luật, doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập đồng thời doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ chấm dứt hoạt động. Đây là mục tiêu lớn nhất đã được giải quyết.

Đối với mục tiêu lớn thứ hai, giảm thiểu gián đoạn về kinh doanh khi chuyển giao Mạng Lưới, ATIM LAW FIRM đã tư vấn và đề xuất một kế hoạch sáp nhập chi tiết, kết nối chặt chẽ và phù hợp quy định pháp luật, cụ thể như sau:

(1) Xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tất cả các vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ, gồm:

  • Ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư về tính phù hợp của việc các bên thỏa thuận chọn ngày Công Ty FDI được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ghi nhận việc sáp nhập làm Ngày Chuyển Giao, đồng thời là Ngày Hiệu Lực của Hợp đồng sáp nhập.
  • Ý kiến hướng dẫn của Cục Cạnh Tranh, Bộ Công Thương xác nhận về tính khả thi và hợp pháp của việc chuyển giao Mạng Lưới trong trường hợp sáp nhập, thời điểm Công Ty Trong Nước được thực hiện việc chuyển giao Mạng Lưới cho Công Ty FDI.
  • Ý kiến hướng dẫn của Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế về việc Công Ty FDI có được tiếp tục sử dụng kết quả chứng nhận tiêu chuẩn và xác nhận công bố phù hợp cho các sản phẩm mà Công Ty Trong Nước đã đạt được trong thời gian hiệu lực còn lại hay không.

(2) Rút ngắn Giai Đoạn Chuyển Giao nhất có thể bằng cách kết hợp các giải pháp sau:

  • Phụ thuộc vào ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư như nêu tại Mục (1).(a), thiết lập ngày Công Ty FDI (Công ty nhận sáp nhập) được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ghi nhận việc sáp nhập làm Ngày Chuyển Giao, đồng thời là Ngày Hiệu Lực của Hợp đồng sáp nhập.
  • Phân định và liệt kê chi tiết những công việc, hồ sơ, thủ tục, giấy phép, ý kiến hướng dẫn nào phải được hoàn thành hoặc đạt được trước Ngày Chuyển Giao đã được thiết lập nêu trên và tập trung hoàn thành các việc này theo kế hoạch.
  • Làm rõ những trình tự, thủ tục, tiến trình phải đẩy tiến độ càng nhanh càng tốt sau Ngày Chuyển Giao.

(3) Công ty bị sáp nhập và Công ty nhận sáp nhập phối hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác nhập khẩu, tồn kho, bán hàng, xuất hóa đơn, hạch toán và trả thưởng cho Nhà phân phối được diễn ra thông suốt, không thiếu hụt nguồn cung, cụ thể:

  • Về nhập khẩu và dự trữ hàng hóa: hai Công ty phối hợp để đưa ra dự báo bán hàng từ các nhà phân phối trong ít nhất 6 đến 9 tháng. Việc nhập khẩu và dự trữ hàng hóa phải được thực hiện và hoàn thành trước Ngày Chuyển Giao để đảm bảo rằng Công ty bị sáp nhập có thể hạch toán các khoản này vào báo cáo quyết toán thuế.
  • Bán hàng, thu tiền, xuất hóa đơn, hạch toán: Công ty bị sáp nhập sẽ vẫn bán hàng trong Giai Đoạn Chuyển Giao. Về thu tiền và xuất hóa đơn VAT cho nhà phân phối, Công ty nhận sáp nhập sẽ xin ý kiến Tổng cục thuế về việc cho phép bên nhận sáp nhập sử dụng tên và mã số thuế của mình để xuất hóa đơn trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày khóa sổ cho đến ngày nộp hồ sơ quyết toán thuế và thông báo sử dụng hóa đơn GTGT.
  • Trả hoa hồng tích lũy cho Nhà phân phối: ATIM LAW FIRM đã tư vấn cho Khách Hàng nên tạm ngưng việc thanh toán hoa hồng cho Nhà phân phối trong Giai Đoạn Chuyển Giao. Sau khi nhận được GCNBHĐC, Công ty nhận sáp nhập sẽ tiến hành thanh toán hoa hồng cho Nhà phân phối thuộc Mạng Lưới vừa nhận chuyển giao.

(4) Trong khi tiếp nhận Mạng Lưới, hỗ trợ Công ty nhận sáp nhập hoàn tất các thủ tục còn lại để tiếp tục vận hành hoạt động kinh doanh gồm đăng ký lưu hành sản phẩm; thay đổi và cập nhật thông tin trên bao bì, nhãn mác; chuyển giao hợp đồng với nhà cung cấp, đối tác, khách hàng, nhà phân phối, người lao động từ công ty bị sáp nhập sang công ty nhận sáp nhập.

DỊCH VỤ:

ATIM LAW FIRM đã tư vấn, thay mặt và hỗ trợ Khách hàng thực hiện toàn bộ việc soạn hồ sơ, tài liệu, tiến hành kế hoạch, công việc, thủ tục sáp nhập theo giải pháp nêu trên.

KẾT QUẢ

Với các ý kiến và giải trình của ATIM LAW FIRM, các cơ quan nhà nước được hỏi ý kiến đã có trả lời thuận lợi cho tiến trình sáp nhập của Khách Hàng, cụ thể:

  • Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư xác nhận các bên được quyền thỏa thuận chọn ngày Công Ty FDI được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ghi nhận việc sáp nhập làm Ngày Chuyển Giao, đồng thời là Ngày Hiệu Lực của Hợp đồng sáp nhập.
  • Cục Cạnh Tranh, Bộ Công Thương xác nhận việc chuyển giao Mạng Lưới trong trường hợp sáp nhập là thực hiện được và phù hợp quy định pháp luật, thời điểm Công Ty Trong Nước được thực hiện việc chuyển giao Mạng Lưới cho Công Ty FDI là thời điểm Công Ty FDI được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ghi nhận việc sáp nhập.
  • cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế cho phép Công Ty FDI được tiếp tục sử dụng kết quả chứng nhận tiêu chuẩn và xác nhận công bố phù hợp cho các sản phẩm mà Công Ty Trong Nước đã đạt được trong thời gian hiệu lực còn lại.

Theo đó, trong vòng 12 tháng, ATIM LAW FIRM đã thực hiện thành công việc sáp nhập hai công ty và chuyển giao Mạng Lưới đáp ứng mục tiêu không làm gián đoạn kinh doanh của Khách Hàng.