Bất động sản công nghiệp - Khu chế xuất là gì?

Khu chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, thông qua bài viết này, ATIM LAW FIRM cung cấp đến bạn đọc một số thông tin cơ bản và hữu ích về mô hình khu chế xuất theo quy định pháp luật Việt Nam.

Thành lập năm 1991, ở phường Tân Thuận Đông (quận 7), rộng hơn 300 ha, Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam. Khu chế xuất Tân Thuận giữ vị trí quan trọng của kinh tế TP. HCM. Cuối năm 2021, khu chế xuất thu hút 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động. Đây cũng là tiền đề hình thành các khu chế xuất, công nghiệp sau này trên cả nước.

Có thể thấy rằng các khu chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, thông qua bài viết này, ATIM LAW FIRM cung cấp đến bạn đọc một số thông tin cơ bản và hữu ích về mô hình khu chế xuất theo quy định pháp luật Việt Nam.

Khái niệm khu chế xuất lần đầu tiên được quy định tại Quy chế Khu chế xuất tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 322-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/10/1991. Tại Quy chế này, khu chế xuất được định nghĩa là khu công nghiệp tập trung chuyên sản xuất hàng xuất khẩu và thực hiện các dịch vụ sản xuất hàng xuất khẩu và xuất khẩu được thành lập và hoạt động theo Quy chế.

Đến năm 1997, Chính Phủ ban hành Nghị định số 36-CP ngày 24/04/1997 về Quy chế Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Theo đó, khu chế xuất là khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. So với Nghị định số 322-HĐBT, tại Nghị định số 36 đã xuất hiện thêm đối tượng là doanh nghiệp chế xuất, và khu chế xuất là nơi tập trung các doanh nghiệp chế xuất, đồng thời bổ sung thêm điều kiện là không có cư dân sinh sống.

Mười một năm sau kể từ ngày ban hành Nghị định số 36-CP, Chính Phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008. Tại văn bản này, định nghĩa về khu chế xuất như sau: “Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định này.” Từ Nghị định này cho đến nay, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều biến động nhưng khái niệm về khu chế xuất về cơ bản vẫn không có sự thay đổi đáng kể.

Đến thời điểm hiện tại, các vấn đề về khu chế xuất được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP, theo đó, khu chế xuất là khu công nghiệp có các đặc điêm sau:

  • chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu;
  • được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan.

Từ cách xây dựng định nghĩa về khu chế xuất từ thuở sơ khai, có thể thấy rằng về nguyên tắc, khu chế xuất cũng chính là một trong những các mô hình khu công nghiệp. Điểm khác biệt giữa khu chế xuất so với các loại hình khu công nghiệp khác là mục tiêu hướng tới của khu chế xuất nhằm mục đích phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Với vị thế quan trọng đó, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu chế xuất luôn được khuyến khích phát triển và nhận được nhiều ưu đãi từ Nhà nước. Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chế xuất thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và được hưởng các ưu đãi gồm:

(i)  Về tiền bảo đảm thực hiện dự án: Được giảm 50% tiền bảo đảm thực hiện dự án cho nhà đầu tư khi đầu tư thực hiện dự án[1];

(ii) Về ưu đãi thuế:

  • Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định[2];
  • Được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm tính từ năm đầu tiên dự án có doanh thu[3];
  • Được miễn thuế 4 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo[4];
  • Được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp[5];
  • Vì khu chế xuất được xem là khu phi thuế quan nên được hưởng thêm các ưu đãi sau:
    • Không chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa từ khu chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu chế xuất và chỉ sử dụng trong chế xuất; hàng hóa đưa từ khu chế xuất này sang khu chế xuất khác[6];
    • Hưởng thuế suất thuế GTGT 0% đối với hàng hóa được bán cho tổ chức, cá nhân ở trong khu chế xuất và tiêu thụ trong khu chế xuất[7].

Ngoài những lợi thế trên, khu chế xuất còn có vị trí thuận tiện gần cảng biển và sân bay nên việc xuất nhập khẩu hàng hóa trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.

Qua các năm, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu chế xuất đã minh chứng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân là 14%/năm. Theo thống kê về “Doanh thu và tỷ trọng đóng góp của các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN TP.HCM giai đoạn 2016-2019” của HEPZA vào năm 2020, KCX Tân Thuận năm 2018 doanh thu tăng 79,23% so với năm 2017. Về hiệu quả sử dụng đất, KCX Linh Trung đạt hiệu suất tốt nhất nếu xét hiệu quả sử dụng đất tính trên chỉ tiêu doanh thu với tỷ lệ bình quân là 3,07 tỷ đồng/ha/năm[8].

Như vậy, các khu chế xuất ở Việt Nam đang góp phần rất lớn thúc đẩy nền kinh tế hội nhập ở nước ta. Đồng thời, các chính sách ưu đãi về thuế sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, mở rộng kinh doanh và đưa nền kinh tế Việt đến gần hơn với kinh tế thế giới.

Hiện nay, tại địa bàn TP. HCM có các khu chế xuất lớn đang hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ, gồm:

Khu chế xuất Tân Thuận

Đây là khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam và được đánh giá là khu chế xuất thành công nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Khu chế xuất Tân Thuận nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi, phía Đông Nam của trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nên có nhiều điều kiện để phát triển.

Khu chế xuất Linh Trung I

Khu chế xuất Linh Trung I với hoạt động kinh doanh chủ yếu là cho thuê đất công nghiệp và nhà xưởng, mà chủ yếu là hoạt động công nghiệp nhẹ, gia công sản phẩm cũng như máy móc.

Khu chế xuất Linh Trung II

Đây là khu chế xuất nhận được rất nhiều sự đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, đến từ nhiều nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ,… Nơi này nằm ở vị trí có trục giao thông thuận lợi nên việc di chuyển hàng hóa trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Khu chế xuất Linh Trung III

Khu chế xuất Linh Trung III cũng nằm trong khu chế xuất Linh Trung, là dự án liên doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại đây chủ yếu cho thuê đất công nghiệp và nhà xưởng hay kho hàng. 


[1] Điều 16.2.a Luật Đầu tư 2020

[2] Điều 15.1.b Luật Đầu tư 2020

[3] Điều 15.1.a Nghị định 218/2013/NĐ-CP

[4] Điều 16.1.a Nghị định 218/2013/NĐ-CP

[5] Điều 10.1 Thông tư 153/2011/TT-BTC

[6] Điều 2.4.c Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

[7] Điều 8.1 và Điều 5.20 Luật thuế GTGT

[8] Theo Báo cáo tổng hợp kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp thành phố hồ chí minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM