Bất động sản công nghiệp - Chín khu công nghiệp mới thành lập nửa đầu năm 2022

Trong nửa đầu năm 2022, đã có 09 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 2.472 ha được thành lập. Tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỷ đồng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối 2023 đến năm 2025.

Tình hình về 09 khu công nghiệp mới trong nửa đầu năm 2022

Theo SSI Research, tính đến tháng 6/2022, cả nước có 563 khu công nghiệp (“KCN”) nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam (tính cả KCN trong khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha. Trong 563 KCN đã quy hoạch, thì có 406 KCN đã thành lập, bao gồm 361 KCN nằm ngoài các khu kinh tế; 37 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 08 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 09 KCN mới với tổng diện tích 2.472 ha được thành lập. Tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỷ đồng. Các dự án cũng quy định thời gian xây dựng từ 3 - 4 năm kể từ khi được thành lập và thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày thành lập. Do đó, nguồn cung các KCN mới này có thể sẽ đi vào hoạt động vào cuối 2023 đến 2025.

Một số thông tin chủ yếu của 09 KCN mới được thành lập được tóm tắt tại bảng sau:

STT

KCN

Vị trí

Tổng diện tích đất (ha)

Vốn đầu tư (Tỷ đồng)

Vốn chủ sở hữu (tỷ đồng)

Chủ đầu tư

1

Tân Lập

Long An

654

9.910

1.486

CTCP Đầu tư phát triển Long An

2

Đồng Vàng

Thanh Hóa

492

2.400

/

TCT Đầu tư XD và TM Anh Phát

3

Tiên Thanh

Hải Phòng

410

4.579

919

CTCP đầu tư KCN Tiên Phong

4

Phú Thuận

Bến Tre

232

3.582

3.443

BQL dự án DTXD các CTĐ và CN tỉnh Bến Tre

5

Yên Mỹ II MR

Hưng Yên

216

2.683

/

Hòa Phát Hưng Yên

6

Nhuận Trạch MR

Hòa Bình

214

2.390

366

TNHH Hòa Phú – Hòa Bình

7

Hòa Cầm GD2

Đà Nẵng

120

2.233

/

KCN Hòa Cầm

8

Hòa Phú MR – GD1

Bắc Giang

85

1.093

166

Hòa Phú Invest

9

Đồng Văn I MR

Hà Nam

49

542

110

CTCP Tập đoàn Hóa chất Nhựa

                                                                                                                                                                                                   Nguồn SSI

Theo JLL, trong Q1/2022 tại miền Nam có 2 KCN đi vào hoạt động là VSIP 3 tại Bình Dương (tổng diện tích đất 1.000 ha) và KCN công nghệ cao Amata Long Thành (tổng diện tích đất 410 ha) nâng tổng quỹ đất tại miền Nam lên mức 25.220 ha. Đồng thời, tại miền Bắc cũng khởi công khu công nghiệp Thuận Thành I, Bắc Ninh đã đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường ngay trong quý đầu năm mới, bổ sung thêm 160 ha đất cho thuê và nâng tổng diện tích quỹ đất công nghiệp tại miền Bắc lên hơn 10.024 ha.

Triển vọng việc phát triển các Khu Công nghiệp mới:

Trong thời gian tới, việc các thành phố lớn tập trung thành lập và phát triển các KCN mới là tất yếu khi (i) Nghị định số 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/7/2022, giúp lược bớt một số thủ tục thành lập KCN; (ii) nhu cầu thuê đất tiếp tục tăng; và (iii) các địa phương tập trung thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp để góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đơn cử, 

  • Ngày 7/1/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025”, bao gồm KCN Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8 ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300 ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112 ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389 ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88 ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.
  • Thành phố Hải Phòng cũng đang tập trung triển khai các thủ tục thành lập 6 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 2.758 ha. Cụ thể, dự án KCN Xuân Cầu (dịch vụ sau cảng) với diện tích 752 ha nằm trong khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư. 5 dự án bao gồm KCN Nam Tràng Cát, KCN Thủy Nguyên, KCN Tiên Thanh, KCN Tràng Duệ mở rộng, KCN Giang Biên 2 đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dù vẫn còn những khó khăn phải đối diện như tiến độ đền bù giải tỏa còn chậm, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư tăng cao, nhưng rõ ràng cơ hội đối với ngành bất động sản khu công nghiệp là rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, đa số các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đều đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao cho năm 2022 và kỳ vọng vào một thị trường bất động sản công nghiệp ngày một phát triển mạnh mẽ. 

Trần Thị Ngọc Ly (Trợ lý luật sư)