Đặc Khu Kinh Tế là gì?

Đặc Khu Kinh Tế đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới do tính ưu việt mà đặc khu này mang lại. Tuy nhiên, đây còn là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng. Pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định rõ về vấn đề nêu trên. Vì thế, tại bài viết này, ATIM LAW FIRM sẽ cung cấp tới cho người đọc những thông tin tổng quát nhất về Đặc Khu Kinh Tế trên cơ sở tổng hợp và phân tích từ những nguồn tin cậy.

Vào cuối thế kỉ XX, Trung Quốc được coi là nơi đầu tiên đánh dấu cho việc thành lập Đặc Khu Kinh Tế đầu tiên và cũng là quốc gia phát triển thành công nhất với mô hình này. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì mô hình này chỉ được biết đến vào đầu những năm 1990, nhờ vào sự xuất hiện của nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

1)    Tổng quát về Đặc Khu Kinh Tế

Tháng 10/2017, Dự thảo Luật đặc khu đã được Chính Phủ trình với Quốc Hội để xin ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên do phát sinh nhiều bất cập, nhiều điểm chưa khả thi cũng như gây ra một số khó khăn cho người dân tai khu vực dự kiến thành lập Đặc Khu Kinh Tế, do đó, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ các vấn đề liên quan đến mô hình này.

Theo đó, định nghĩa về Đặc Khu Kinh Tế tại Việt Nam hiện nay được kế thừa từ các quốc gia trên thế giới. Có thể hiểu Đặc Khu Kinh Tế hay đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Special Economic Zones) (sau đây gọi tắt là“SEZs”) là một thuật ngữ mang tính bao hàm nói về một khu vực kinh tế mà trong đó bao gồm: khu vực mậu dịch tự do (FTZs), khu chế xuất (EPZs) và khu phi thuế quan (Freeports, FPs). Mô hình này là mô hình phát triển cao hơn dựa trên mô hình khu kinh tế cơ bản với các đặc trưng là không gian riêng biệt, môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi.

Đặc Khu Kinh Tế có thể được chia làm 05 loại như sau:

  • Đặc Khu Kinh Tế về thương mại;
  • Đặc Khu Kinh Tế về thương mại và công nghiệp;
  • Đặc Khu Kinh Tế về kinh tế kỹ thuật;
  • Đặc Khu Kinh Tế tổng hợp; hoặc
  • Đặc Khu Kinh Tế xuyên quốc gia.

Trên thế giới, Đặc Khu Kinh Tế được cho rằng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các nước đang phát triển, các tập đoàn xuyên quốc gia và các nhà đầu. Đối với các nước đang phát triển đây là cơ hội để phát triển về: (i) xúc tiến thương mại; (ii) phát triển về ngoại hối; (iii) việc làm; (iv) thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; (v) khai thác tài nguyên thiên nhiên; (vi) công nghiệp hóa; (vii) phát triển khu vực; (viii) tháo bỏ rào cản về chính sách thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu; (ix) các chính sách về mở cửa thị trường; (x) chính trị; (xi) công nghệ; (xii) thu nhập thuế; (xiii) được đa dạng hóa các ngành và có sự chuyên môn hóa.

2)    Thực trạng của Đặc Khu Kinh Tế tại Việt Nam

Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng hơn 200 Đặc Khu Kinh Tế ở hơn 60 quốc gia, tuỳ theo từng quốc gia mà sẽ có những tên gọi khác nhau như: khu vực kinh tế tự do, khu vực công nghiệp tự do, khu vực khuyến khích xuất khẩu. Tại Việt Nam hiện có 03 khu kinh tế được định hướng phát triển theo mô hình Đặc Khu Kinh Tế đó là: khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế Bắc Vân Phong và khu kinh tế Phú Quốc. Trong đó,

  • Khu kinh tế Vân Đồn: được thành lập tại tỉnh Quảng Ninh vào năm 2007 với mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và phát triển các dịch vụ chất lượng cao, xây dựng trung tâm hàng không và là đầu mối thông thương các khu vực trên thế giới.
  • Khu kinh tế Bắc Vân Phong: được thành lập tại tỉnh Khánh Hòa vào năm 2006. Được biết nơi đây phát triển rất mạnh về du lịch và sở hữu cảng nước sâu Đầm Môn tạo nên giao thông giữa các vùng trong khu vực vô cùng thuận tiện.
  • Khu kinh tế Phú Quốc: được thành lập tại tỉnh Kiên Giang vào năm 2013 và đây còn khu vực mới đang được đưa vào khai thác.

Tuy vậy, cũng do chưa được thông qua khung pháp lý chung, tính đến thời điểm hiện tại, có 2 trên 3 khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể, trong đó khu kinh tế Phú Quốc được tạm dừng từ tháng 08 năm 2019 và mới nhất là đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong tạm dừng từ tháng 6 năm 2020. Đối với khu kinh tế Vân Đồn, ngày 17 tháng 02 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Qua những lập luận cũng như các lý luận đưa ra có thể thấy rằng Đặc Khu Kinh Tế vẫn còn là một mô hình quá mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy sở hữu nhiều thuận lợi nhưng mô hình này vẫn mang nhiều bất cập, cần Nhà nước, các cơ quan lập pháp nghiên cứu thật chi tiết, rõ ràng để có thể đưa ra một khung pháp lý phù hợp, áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam và giúp mô hình này phát triển đúng mục tiêu mà nó đã đề ra. 

Trần Ngọc Long - Trợ lý luật sư