CẬP NHẬT QUY ĐỊNH MỚI

Ngày 28/06/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 1/9/2023, sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, so với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Thông tư 06/2023/TT-NHNN có một số điểm mới đáng lưu ý như sau:

Được phép vay để đảo nợ trong trường hợp để thanh toán khoản vay nước ngoài thông qua hình thức mua hàng trả chậm

Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay nhằm mục đích đảo nợ.

Từ 1/9/2023, theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, việc cho vay để nhằm mục đích đảo nợ về nguyên tắc vẫn không được phép, tuy nhiên, có một trường hợp được loại trừ, đó là vay để thanh toán khoản vay nước ngoài thông qua hình thức mua hàng trả chậm.

Được phép vay để thanh toán trước hạn cho bất kỳ khoản vay nước ngoài hoặc vay ngân hàng nào khác, mà không còn giới hạn chỉ khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh

Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng chỉ được vay ngân hàng để thanh toán trước hạn cho các khoản vay nước ngoài hoặc khoản vay của ngân hàng khác nếu thỏa mãn đầy đủ ba điều kiện sau đây:

  • Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
  • Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
  • Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Từ ngày 1/9/2023, theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, điều kiện (i) đã được bãi bỏ. Điều này có nghĩa, khách hàng có thể đi vay để thanh toán trước hạn cho bất kỳ khoản vay nước ngoài hoặc vay ngân hàng nào mà không còn giới hạn chỉ được thanh toán trước hạn cho khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh.

Không được đi vay để gửi tiền

Từ ngày 1/9/2023, theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, doanh nghiệp không được đi vay và sau đó dùng khoản vay đó gửi tiền. Mục đích gửi tiền được ví dụ tại tờ trình như gửi tiền để chứng minh năng lực tài chính cho đi lao động, học tập ở nước ngoài.

Thông tư 39/2016/TT-NHNN không có quy định nào giới hạn việc này.

Không được vay để thanh toán các khoản tiền góp vốn đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần hoặc để bù đắp tài chính

Theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, tổ chức, cá nhân không được vay cho mục đích:

  • thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
  • góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM;
  • thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;
  • bù đắp tài chính.

Tuy nhiên, vui lòng lưu ý rằng, ngày 23/08/2023, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN. Theo đó, điểm mới liên quan đến vay để thanh toán các khoản tiền góp vốn đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần hoặc để bù đắp tài chính như nêu trên sẽ bị ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về nội dung này.

Đồng tiền để trả nợ có thể khác đồng tiền cho vay của khoản vay

Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định theo hướng "cứng", cụ thể là đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay.

Từ 1/9/2023, theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, các bên được phép thỏa thuận thanh toán bằng đồng tiền khác với đồng tiền cho vay. Theo đó, sự thỏa thuận này vẫn cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, bao gồm quy định về quản lý ngoại hối.

Quy định cụ thể thứ tự thu nợ quá hạn

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã có quy định thứ tự thu nợ đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, theo đó, tổ chức tín dụng thực hiện thu nợ gốc trước, thu nợ lãi tiền vay sau. Tuy nhiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN chưa làm rõ trong trường hợp khoản vay nhiều kỳ, có kỳ trả đúng hạn, có kỳ vi phạm thì sẽ áp dụng thứ tự thu nợ này như thế nào.

Thông tư 06/2023/TT-NHNN kế thừa quy định này và bổ sung thêm nội dung nhằm hướng dẫn cho trường hợp một khoản vay được trả trong nhiều kỳ mà có một hoặc một số kỳ hạn bị quá hạn. Cụ thể, từ 1/9/2023, trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán một hoặc một số kỳ thanh toán thì ngân hàng phải thu nợ theo thứ tự: (1) thu nợ gốc đã quá hạn, (2) thu nợ lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả, (3) thu nợ gốc đến hạn, (4) thu nợ lãi trên nợ gốc mà đến hạn chưa trả. Điều này là để hạn chế tối đa việc phát sinh thêm lãi cho bên vay trong thời gian quá hạn.

Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ ban hành quy chế nội bộ

Như đã phân tích ở các ở trên, Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định quan trọng liên quan tới vấn đề cấp tín dụng. Theo đó, để các quy định này được thực thi trong thực tế, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần nhanh chóng cập nhật, bổ sung quy chế nội bộ của mình cho phù hợp.

Do đó, nhiều quy định về nội dung của Quy chế nội bộ phải được sửa đổi tương ứng. Trong đó bao gồm quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 22, cụ thể là quy định Quy chế nội bộ của tổ chức tín dụng phải làm rõ được điều kiện cho vay, trong đó quy định các tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ; các nhu cầu vốn không được cho vay; …

Nhìn chung, các quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã góp phần làm rõ những điểm chưa rõ ràng trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, với việc bổ sung 4 nhu cầu không được cho vay như đã trình bày ở trên, Thông tư 06/2023/TT-NHNN có thể giới hạn khả năng tiếp cận nguồn cấp tín dụng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Nguyễn Thị Hải Yến (ATIM Senior Associate)