Trải qua biến động vì dịch bệnh suốt 2 năm qua, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận nhiều chỉ số tích cực. Đây cũng là cơ sở để các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản nhận định, bất động sản công nghiệp còn rất nhiều triển vọng trong tương lai, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (“FDI”) vào các KCN tại Việt Nam.
Tình hình thu hút FDI vào Việt Nam 07 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7/2022, tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, bao gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó,
18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn liên tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 526,2 triệu USD và gần 465 triệu USD.
88 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư.
51 tỉnh, thành phố trên cả nước là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Một số dự án FDI mới vào KCN tại Việt Nam tính đến 2022
Dự án | Tổng vốn đầu tư (triệu USD) | Vị trí | Khu công nghiệp | Diện tích thuê (ha) |
LG Display | 3270 | Hải Phòng | Tràng Duệ | / |
LNG Long An I and II | 3100 | Long An | Đông Nam Á | 90 |
Foxcon | 1500 | Bắc Giang | Quảng Châu | 32 |
Lego | 1000 | Bình Dương | VISIP 3 | 1000 |
Kraft Vina | 661 | Vĩnh Phúc | Bình Xuyên | / |
Polytes Far Eastern Vietnam | 610 | Bình Dương | Bàu Bàng | / |
Amkor Technology. Inc | 520 | Bắc Ninh | Yên Phong II - C | 23 |
Nguồn: SSI
Triển vọng của hoạt động đầu tư nước ngoài vào các KCN tại Việt Nam
Theo SSI Research đánh giá, thời gian tới các khu công nghiệp sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, dẫn đến nhu cầu thuê đất tại các KCN Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Một số lý do có thể kể đến như:
Cùng với việc Chính phủ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đặc biệt là việc ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5 vừa qua về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp đang hứa hẹn sẽ tiếp tục gia tăng.
Trầm Thị Ngọc Ly (Trợ lý luật sư)