BÀI VIẾT CHUYÊN MÔN

Từ năm 2024, Doanh nghiệp FDI đã được cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ không nộp Báo cáo năm về tình hình thực hiện giấy phép có thể sẽ bị phạt tiền, bị DOIT từ chối giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép hoặc thậm chí bị thu hồi Giấy phép.

Cuối năm 2023, đầu năm 2024, các Doanh nghiệp FDI nộp hồ sơ xin điều chỉnh Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ (Giấy phép) tại Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (DOIT) được yêu cầu nộp bổ sung Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép trong 2 năm gần nhất. Nếu doanh nghiệp không nộp bổ sung đầy đủ báo cáo theo yêu cầu, hồ sơ xin điều chỉnh Giấy phép có thể bị DOIT từ chối giải quyết, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là thu hồi Giấy phép.

Động thái này cho thấy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như MOIT, DOIT đang siết chặt hơn việc thực thi các quy định về nghĩa vụ báo cáo của Doanh nghiệp FDI có Giấy phép.

Trên thực tế, các quy định về nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép thường niên của Doanh nghiệp FDI không phải mới được ban hành gần đây mà đã được ban hành và có hiệu lực từ 15/1/2018 tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP của Chính Phủ. Theo đó, Doanh nghiệp FDI phải nôp Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép trong năm chậm nhất vào ngày 31/1 của năm tiếp theo. Chế tài cho hành vi không báo cáo, không cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng đã được quy định rõ ràng. Cụ thể,

  • Trước 15/10/2020, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
  • Từ 15/10/2020 đến nay, Doanh nghiệp FDI không thực hiện báo cáo theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nghị định 09/2018/NĐ-CP cũng quy định, nếu Doanh nghiệp FDI không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định trong 24 tháng liên tiếp thì có khả năng bị thu hồi Giấy phép.

Tuy nhiên, có vẻ như từ khi có hiệu lực từ năm 2018 cho đến cuối năm 2023, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang quan sát và khuyến khích việc thực thi các quy định này trên tinh thần tự nguyện, tự giác của cộng đồng doanh nghiệp và chưa siết chặt việc áp dụng các chế tài. Sau thời gian quan sát trên, hiện động thái của DOIT đang cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đang siết chặt và quản lý nghiêm việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ và cung cấp thông tin của Doanh nghiệp FDI có Giấy phép cũng như bắt đầu nghiêm khắc hơn trong việc áp dụng các chế tài nếu doanh nghiệp vi phạm các nghĩa vụ này bao gồm phạt tiền, rút giấy phép hoặc bị từ chối giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép.

Vì vậy, ATIM LAW FIRM khuyến nghị từ năm 2024, các doanh nghiệp FDI đang được cấp giấy phép cho các hoạt động như bán lẻ hoặc nhập khẩu, bán buôn dầu, mỡ bôi trơn, máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù hoặc dịch vụ logistics hoặc các hoạt động liên quan khác cần phải nộp đầy đủ báo cáo tình hình thực hiện giấy phép của năm trước. Cụ thể như phải nộp báo cáo tình hình thực hiện giấy phép năm 2023 chậm nhất ngày 31/1/2024. Báo cáo được thực hiện theo mẫu đính kèm Nghị định 09/2018/NĐ-CP và gửi bưu điện đến địa chỉ của DOIT đã cấp Giấy phép. Trường hợp quá hạn mà vẫn chưa nộp, Doanh nghiệp vẫn nên nhanh chóng hoàn thành việc nộp bổ sung trong thời gian sớm nhất có thể.

Trường hợp doanh nghiệp có câu hỏi hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ Chuyên viên tư vấn Mai Thị Huế - 0915.111.365 hoặc 0385.425.336